Xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn là xã có diện tích đất đồi rừng lớn, thuận lợi cho việc phát triển đàn đại gia súc như trâu, bò, dê… Ông Hà Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Trong 2, 3 năm trở lại đây, người dân Kiệt Sơn đã có xu hướng tập trung vào phát triển đại gia súc, tổng đàn có sự gia tăng so với 5 năm về trước, tỷ lệ bò lai cũng tăng cao hơn. Số hộ có từ 7, 8 con bò trở lên có tới vài chục. Con bò đã giúp nhiều hộ ở trên địa bàn thoát khỏi đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu
|
Phát triển đại gia súc là hướng thoát nghèo phù hợp với điều kiện địa phương đang thu hút được nhiều hộ ở xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn tham gia. |
Tổng đàn gia súc của xã hiện có trên 2.000 con, trong đó có 564 con trâu, 486 con bò, 345 con dê… Tỷ lệ bò lai hiện chiếm khoảng 40% tổng đàn, tăng khoảng 15% so với năm 2010. Các gia đình có đàn trâu bò từ 10 con trở lên như hộ ông Hà Chí Nguyện ở khu 1, ông Hà Xuân An ở khu 11, ông Hà Minh Sơn ở khu 9… đã chủ động dành các diện tích đất cày cấy không đạt hiệu quả cao để trồng các loại cỏ như cỏ voi, cỏ VA 09… để chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi dê sau một thời gian dài không được quan tâm nay đã bắt đầu phát triển trở lại. Toàn xã hiện có hơn 30 hộ chăn nuôi dê từ 3,4 con đến trên 10 con/hộ, chủ yếu là dê cái sinh sản. Với giá thị trường hiện nay vào khoảng từ 130.000 đồng đến 150.000 đồng/kg hơi thì nhiều hộ sẽ có thu nhập khoảng chục triệu đồng/năm, nhất là khi tổng đàn đang ngày một gia tăng. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với người dân ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Tân Sơn.
Do đặc thù miền núi, đất đồi rừng nhiều, diện tích đất có thể canh tác lúa lại nhỏ (gần 245ha/năm), đặc biệt là ở dộc ven suối, ven đồi rất khó canh tác lúa nên nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển sang trồng cỏ hoặc trồng các loại cây màu như ngô, khoai, sắn để phục vụ chăn nuôi. Không chỉ vậy, các hộ có số lượng gia súc lớn cũng đã chủ động tìm hiểu các biện pháp phòng bệnh, chăm sóc, tiêm phòng… để bảo vệ đàn gia súc của gia đình. Anh Hà Đình Nhới, trưởng khuyến nông xã cho biết: Chủ trương của xã trong thời gian tới vẫn khuyến khích các hộ có điều kiện tập trung phát triển đàn đại gia súc, tăng tỷ lệ bò lai trong tổng đàn. Xã đã có kế hoạch quy hoạch lại ruộng đất, xây dựng vùng trồng cỏ ở những điểm khó gieo cấy; xây dựng vùng nuôi bán chăn thả ở khu vực đồi rừng trồng cây hiệu quả kém…
Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững và ổn định đàn đại gia súc ở xã Kiệt Sơn thì địa phương và người chăn nuôi vẫn cần phải tập trung tháo gỡ một số khó khăn vẫn còn tồn tại như: Thị trường tiêu thụ và giá thành không ổn định, thị trường vẫn chủ yếu là ở địa phương, do đó dễ bị tư thương ép giá, lợi nhuận không cao nên người chăn nuôi vẫn chưa có sự đầu tư bài bản; người dân địa phương chưa tận dụng hết các diện tích có thể trồng cỏ, tình trạng thả rông gia súc theo tập quán cũ vẫn còn phổ biến; việc chú ý phòng bệnh vẫn chưa thực sự được quan tâm, đa phần người nuôi chỉ bị động tiêm khi phát hiện gia súc bị bệnh; người chăn nuôi địa phương vẫn chuộng giống bò cóc, bò địa phương nên tỷ lệ lai còn thấp nên cần đẩy mạnh tuyên truyền để người nuôi hiểu rõ giá trị kinh tế của đàn bò lai; cần xây dựng một số chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tuyên truyền chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến từng người dân để họ biết và được thụ hưởng; khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi thành lập tổ chức như HTX hay hiệp hội để trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh, tìm và điều tiết thị trường, qua đó có thể đảm bảo giá cả tương đối ổn định, tránh bấp bênh và phụ thuộc vào thương lái như hiện nay…
Nguồn: baophutho.vn