Vĩnh Phúc: Tạo sức bật xây dựng nông thôn mới bền vững

Diện mạo NTM nâng cao xã Tam Phúc (Vĩnh Tường) có nhiều thay đổi tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, các công trình đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM với quan điểm: “Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cải thiện diện mạo vùng nông thôn, phát triển KT-XH địa phương, năm 2021, tỉnh dành hơn 230 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công phân khai sau hỗ trợ có mục tiêu cho 4 huyện: Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô để duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo chuẩn vùng Đồng bằng sông Hồng.

Hiện các địa phương đang tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Đinh Gia Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hướng tới mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, năm 2020, tỉnh tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đạt chuẩn NTM.

Tiếp tục chỉ đạo 2 xã: Tam Phúc (Vĩnh Tường), Liên Châu (Yên Lạc) xây dựng NTM nâng cao và huyện Vĩnh Tường đạt chuẩn các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ NN&PTNT thẩm định; đầu tư cứng hóa thêm nhiều kênh loại III; xây mới, nâng cấp, sửa chữa trường học và trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn.

Đến nay, toàn tỉnh đã cứng hóa được hơn 88% đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm; 78% đường trục chính nội đồng; 100% kênh loại I, II và 98% kênh loại III được kiên cố hóa góp phần nâng tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động đạt trên 96%.

Hệ thống hạ tầng lưới điện khu vực nông thôn cũng được quan tâm đầu tư, với 100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn.

Để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, năm 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp:

Hỗ trợ hơn 1.300 tấn lúa giống chất lượng cho các địa phương với diện tích hơn 26.000 ha; tổ chức 16 lớp tập huấn cho 560 lượt nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây ăn quả; hỗ trợ gần 3.000 ha sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn theo VietGAP, hơn 52 nghìn liều tinh lợn ngoại, gần 43 nghìn liều tinh phát triển thụ tinh nhân tạo bò thịt, bò sữa chất lượng cao; hỗ trợ gần 2.500 công trình xử lý chất thải chăn nuôi, 45 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, hơn 610 máy sản xuất nông nghiệp.

Qua đó, tạo động lực khuyến khích các hộ nông dân mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung…, góp phần đưa thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng/người.

Nhằm đảm bảo an sinh xã hội, năm 2020, tỉnh đã cấp gần 12.000 thẻ BHYT cho người nghèo, hơn 20 nghìn thẻ BHYT cho người cận nghèo, gần 11 nghìn thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa và xây mới 252 căn nhà cho hộ nghèo từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” với kinh phí hơn 14 tỷ đồng.

Hỗ trợ hơn 7,3 tỷ đồng tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. Đặc biệt, tỉnh hỗ trợ gần 38 nghìn người thuộc bảo trợ xã hội, gần 12 nghìn người nghèo, hơn 28 nghìn người cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng dành nguồn kinh phí hỗ trợ người nghèo với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tập đoàn Phúc Sơn đã hỗ trợ hơn 130 tấn gạo cho hộ nghèo; Tập đoàn T&T hỗ trợ 700 triệu đồng cho người nghèo và người có công với cách mạng tại 2 xã: Duy Phiên (Tam Dương), Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên) và thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên); Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel Vĩnh Phúc tài trợ cho 295 hộ nghèo thiếu hụt về chỉ số tài sản tiếp cận thông tin viễn thông mỗi hộ 1 điện thoại 4G Bkav C85 kèm sim 4G Viettel.

Gia đình anh Phạm Văn Quỳnh, thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng, (Yên Lạc) ứng dụng công nghệ cao trồng nho Hạ đen trong nhà giàn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Thế Hùng

Năm 2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 23 nghìn lao động; đào tạo nghề cho 1.000 lao động nông thôn.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM theo hướng lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Phát động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong xây dựng NTM; tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học.

Xây dựng vùng nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc; phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển các sản phẩm thế mạnh của từng địa phương gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn. Phấn đấu năm 2021, 100% các xã duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM theo quy định; có thêm từ 5-7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5-7 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; các huyện: Vĩnh Tường, Tam Đảo, Tam Dương đạt chuẩn NTM.

Theo Mai Liên

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website