Xây dựng nông thôn mới ở Ngọc Quan

img5179-1539873915
Con đường dẫn vào làng văn hóa thôn Ngọc Tân được bê tông hóa, trồng hoa 2 bên đường, tạo cảnh quan nông thôn sạch, đẹp.


Xác định xây dựng NTM là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, với tiềm năng sẵn có, chính quyền xã khuyến khích bà con nhân dân phát triển kinh tế đồi rừng tập trung vào 3 thế mạnh là: Cây gỗ nguyên liệu, chè và cây ăn quả. Từ đó, người dân đã chủ động chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây trồng thế mạnh của xã, tập trung đầu tư thâm canh để dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Mỗi năm toàn xã trồng mới khoảng 70ha rừng và 2.800 cây phân tán. Đồng thời, sản xuất cây giống lâm nghiệp ở địa phương ngày càng phát triển với tổng số 150 hộ ươm cây giống, cho doanh thu hàng năm trên 8 tỷ đồng tiền cây giống. Xã có diện tích cây chè ổn định là 94ha cho năng suất bình quân đạt 110 tạ/ha; tổng diện tích bưởi toàn xã trên 65ha, sản lượng bưởi quả hàng năm ước đạt 140 tấn. Chị Nguyễn Thị Liên, khu 10 chia sẻ: “Nhà tôi hiện có 2 sào ươm cây giống, với các cây như keo lai, xoan… mỗi năm xuất hơn 50 vạn cây, trừ các khoản chi phí, thu được trên 50 triệu đồng”. Ngoài gia đình chị Liên còn một số hộ khác như chị Nguyễn Bích Hồng, anh Nguyễn Phương Huy, Hà Đức Sản… cũng có thu nhập cao từ phát triển kinh tế đồi rừng và vườn ươm cây giống. Cùng với trồng trọt người dân trong vùng cũng đã đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng bán công nghiệp, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn.

Bên cạnh đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương cũng có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng khá. Trong những năm qua, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng giá trị cạnh tranh. Hiện nay, trên địa bàn xã có 480 hộ sản xuất kinh doanh với đa dạng các ngành nghề như: Cơ khí, mộc dân dụng, may mặc, vận tải, chế biến lâm sản,… góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân. Chính quyền xã cũng đã tích cực trong việc phối kết hợp triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mỗi năm mở khoảng 2 lớp học nghề  với 30-35 lao động tham gia, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động. Công tác xóa đói, giảm nghèo, chính sách hỗ trợ người nghèo được lồng ghép với nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội. 

Cùng với phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng nông thôn cũng từng bước được đầu tư, tổng vốn nhân dân đầu tư xây dựng nhà ở trong 3 năm gần đây ước đạt  trên 90 tỷ đồng. Xã đã triển khai các công trình đầu tư trọng điểm như làm đường giao thông kết hợp với việc di dời một số hộ dân ở địa phận tuyến đường tránh lũ phía Tây Nam của huyện; sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất trường học của 3 cấp học, tỷ lệ phòng học kiên cố ở bậc mầm non đạt 60%, tiểu học đạt 85%, THCS đạt 90%, hiện nay 3 trường đều đã đạt chuẩn Quốc gia.

Quá trình xây dựng NTM đã góp phần đưa diện mạo Ngọc Quan có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đến nay thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,7%. Tuy nhiên để “cán đích” NTM, Ngọc Quan vẫn còn nhiều khó khăn như: Việc huy động nội lực để xây dựng NTM còn hạn chế, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng đầy đủ cho sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ cứng hóa đường GTNT chỉ đạt gần 50%; sản xuất TTCN và dịch vụ còn mang tính tự phát, chưa quy hoạch được thành nghề, làng nghề nên tính ổn định và phát triển chưa bền vững, cũng do đó mà tiêu chí môi trường cũng phức tạp. Do đó xã cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân để huy động các nguồn lực chung sức xây dựng NTM.


Nguồn: baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website