Huyện Đoan Hùng tổ chức tập huấn kỹ năng giới thiệu, bán hàng cho các HTX, các hộ dân và phát trực tiếp giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của huyện trên nền tảng Tiktok.
Bứt phá từ công nghệ số
Năm 2020, HTX Chè Thành Nam ở thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn được thành lập gồm 15 thành viên. Với mong muốn mang đến cho người sử dụng sản phẩm chè tốt nhất đạt tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách làm chè theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng kỹ thuật, CĐS vào sản xuất, kinh doanh. HTX đã đưa các hệ thống số hóa như: Quản lý hàng hóa, kế toán, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc... nhằm giảm chi phí và tối ưu nguồn nhân lực. Đồng thời, trang bị hệ thống máy móc chế biến, thiết bị hiện đại đồng bộ với tổng mức đầu tư trên 4 tỷ đồng.
Có nguyên liệu tốt, máy móc hiện đại, lại có quan điểm xây dựng thương hiệu đúng đắn nên sản phẩm chè Thành Nam nhanh chóng gặt hái những thành công trên thị trường chè trong nước với 16 sản phẩm chè, trong đó có 2 sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm chè của HTX đưa ra thị trường đều được đóng gói theo tiêu chuẩn, tem nhãn hàng và tem điện tử truy xuất nguồn gốc, được xuất khẩu sang Ả Rập Xê Út, Nhật Bản và mở rộng tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, trong hệ thống các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Huyện Thanh Sơn hiện có 44 HTX, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Để giúp các HTX thích ứng với CĐS, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho lãnh đạo và thành viên các HTX về phương pháp tiếp cận, ứng dụng CĐS trong quản lý, điều hành, tiêu thụ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời giới thiệu tham gia các lớp tập huấn do các sở, ngành của tỉnh tổ chức. Huyện đã phối hợp hướng dẫn các cơ sở sản xuất, HTX có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ thực hiện số hóa quy trình sản xuất, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đăng bán các sản phẩm OCOP, nông sản chủ lực trên sàn thương mại điện tử.
Với ngành nghề sản xuất, kinh doanh đa dạng, cung cấp các loại hạt giống, phân bón, thuốc BVTV sinh học, sản xuất rau, củ, quả an toàn theo mùa vụ và đặc biệt trồng, sản xuất hành xanh hướng tới phát triển thương hiệu, chế biến sâu, việc ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm là một giải pháp hữu hiệu đối với HTX nông nghiệp hạt giống Đất Tổ, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao. Ông Phan Văn Lý - Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi đã chuyển đổi 8,6ha cây trồng kém hiệu quả sang mô hình trồng canh tác các loại rau, củ, quả theo mùa và phát triển thành công 3,6ha trồng hành xanh cho sản lượng đạt trên 100 tấn hành/năm. Cuối năm 2023, HTX đã đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số. Nhờ đó, góp phần nâng doanh thu của HTX hàng năm đạt trên 1,2 tỷ đồng”.
Năm 2025, HTX sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ cao, CĐS vào sản xuất như xây dựng nhà màng, đầu tư thiết bị sản xuất và chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng số, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị mở rộng phát triển thị trường.
Đồng chí Đặng Thị Thu Hiền - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Thao cho biết: Là địa phương có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, vì thế nông sản và sản phẩm OCOP do các THT, HTX của huyện Lâm Thao sản xuất đều là những sản phẩm chất lượng từ trồng trọt, chăn nuôi. Để sản phẩm được thị trường đón nhận, địa phương khuyến khích các cơ sở, HTX không ngừng đổi mới, CĐS, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
Ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh đã giúp HTX Nông nghiệp hạt giống Đất Tổ nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong HTX
Toàn tỉnh hiện có 1 Liên hiệp hợp tác xã (LHHTX), 1.166 THT và 620 HTX đang hoạt động với tổng số trên 108.000 thành viên. Doanh thu bình quân đạt 3,5 tỷ đồng/HTX/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 6.141 lao động với thu nhập thường xuyên bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Thích ứng với xu thế chung, việc CĐS hoạt động sản xuất, kinh doanh bước đầu đã làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ thông tin, công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, chú trọng áp dụng công nghệ tưới tự động, phun thuốc bằng máy bay điều khiển từ xa, hệ thống chăn nuôi khép kín, xây dựng nhật ký chăm sóc điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; trên 70% HTX đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua nền tảng số về thương mại điện tử.
Tối ưu hóa các tiện ích mà ứng dụng CĐS đem lại vào quy trình sản xuất, kinh doanh chè, ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX sản xuất, chế biến chè Đá Hen, huyện Cẩm Khê khẳng định: CĐS cũng giúp người làm chè quản lý hiệu quả hơn việc sản xuất và tiêu thụ. Cùng với sử dụng mã QR-Code, người tiêu dùng đã an tâm hơn khi có thể liên hệ trực tiếp với cơ sở sản xuất. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, khách hàng có thể tra cứu các thông tin về sản phẩm để chọn lựa những sản phẩm có chất lượng tốt nhất với giá thành phù hợp.
Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện CĐS. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, các HTX về vai trò, tầm quan trọng của CĐS phục vụ canh tác; hỗ trợ nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa CĐS vào sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị giới thiệu các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử giúp người dân nắm bắt kiến thức, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp trên môi trường số, góp phần quảng bá sản phẩm và từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh, hiện đại, giá trị gia tăng cao hơn.
Với vai trò cầu nối hỗ trợ các THT, HTX ứng dụng công nghệ CĐS, năm 2024 Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 37 lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng về quản trị HTX, kỹ năng tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm HTX, xây dựng sản phẩm OCOP và tuyên truyền Luật HTX năm 2023, văn bản chính sách mới cho 6.028 lượt cán bộ quản lý, thành viên và người lao động trong HTX. Tiếp tục chủ trì thực hiện dự án khoa học: Thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại các HTX trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh đã tăng cường hỗ trợ các HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi trên các kênh thông tin, tuyên truyền; kết nối đưa hơn 40 HTX tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử và siêu thị, hệ thống cửa hàng OCOP trong và ngoài tỉnh; tổ chức, hỗ trợ trên 150 lượt HTX, LHHTX, THT với gần 300 mặt hàng được tham gia quảng bá tại nhiều hội chợ, sự kiện; hỗ trợ sản xuất video, xây dựng web bán hàng, phần mềm quản lý, theo dõi bán hàng, Fanpage quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho 8 HTX; tư vấn, hỗ trợ cho 97 HTX tham gia các dự án liên kết sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và gắn với chuỗi giá trị. Tiếp tục triển khai các gói dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hạch toán kế toán, quản lý tài chính, khai thuế điện tử... vận hành, duy trì hoạt động các gian hàng của 50 HTX với gần 120 sản phẩm, dịch vụ hàng hoá trên sàn giao dịch TMĐT tỉnh Phú Thọ: giaothuong.net.vn.
Đồng chí Vũ Thị Minh Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh khẳng định: Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời, tăng cường tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thích ứng với quá trình CĐS, công nghệ, phương thức sản xuất, kinh doanh mới và đẩy mạnh cơ hội giao thương, hợp tác, kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh; trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đồng hành với các HTX trong quá trình quản lý, điều hành phát triển KTTT, tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn về CĐS, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm... Đồng thời tích cực đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho HTX thông qua các lớp tập huấn nhằm giúp các HTX, thành viên ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc tiếp cận thị trường tiêu thụ, hướng tới phát triển bền vững.
Thu Giang (Nguồn: baophutho.vn)