Phú Thọ: Nghề mộc truyền thống Minh Đức phát triển

Xuất thân từ Làng nghề mộc truyền thống (Mộc Minh Đức - Thanh Uyên), năm 2015 ông Nguyễn Văn Lưu Khu 2, xã Thanh Uyên đã mở xưởng sản xuất kinh doanh đồ gỗ trên diện tích 300m2. Mở xưởng mộc là cách mà ông Lưu muốn lưu giữ nghề cho 4 người con trai và tạo công ăn việc làm cho 7 lao động tại địa phương. Hiện nay, xưởng mộc của ông Lưu nhận làm tất cả các mặt hàng từ đơn giản đến cao cấp như: Tủ, sập, bàn, ghế…  sản phẩm mộc của ông Lưu ngày càng có tiếng và được nhiều khách hàng ưa chuộng, lựa chọn. Doanh thu hàng năm từ xưởng mộc của ông sau khi trừ chi phí còn lại khoảng 300 triệu đồng, ông Lưu chia sẻ (Xưởng mộc của tôi có 7 thợ làm, thu nhập tôi chi trả mỗi tháng cho thợ từ 6 đến 7 triệu đồng. Các sản phẩm đồ gỗ của gia đình tôi chủ yếu về các đồ nội thất, gia dụng trong gia đình, gia đình nào cứ đặt đến đâu thì tôi làm đến đó, sản phẩm của tôi bán trong tỉnh và các tỉnh ngoài lân cận).

               
Xưởng mộc của gia đình ông Nguyễn Văn Lưu, Khu 2 xã Thanh Uyên, Tam Nông.

Hiện nay, Làng nghề mộc Minh Đức có gần 100 cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, các thế hệ từ già tới trẻ đã và đang duy trì nghề mộc truyền thống của làng. Những năm gần đây làng nghề mộc Minh Đức (Thanh Uyên) đang dần phát triển theo hướng hiện đại hóa sản xuất, trước đây các công đoạn làm ra sản phẩm chủ yếu làm bằng tay thì bây giờ được thay thế bằng máy móc, thiết bị hiện đại, nhiều sản phẩm có những đường nét hoa văn tinh xảo được thể hiện phong phú, sống động qua những tấm gỗ; giúp tăng thu nhập nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Uyên  cho biết "Các sản phẩm của Làng nghề đã chiếm lĩnh trên các thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh, từ đó tạo nguồn thu cho lao động địa phương từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng, qua đó tăng hộ giàu, giảm được hộ nghèo. Hiệu quả kinh tế mang lại từ Làng nghề mộc Minh Đức đã góp phần quan trong việc đưa xã Thanh Uyên cán đích nông thôn mới vào năm 2020".

Bằng đôi bàn tay khéo léo và tài hoa, những người thợ mộc đã cho ra đời những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ không chỉ đẹp mà còn rất bền, chắc khỏe. Những người thợ nơi đây vẫn nguyện gắn bó, giữ gìn tình yêu với nghề nhằm lưu giữ và phát triển nghề mộc truyền thống của cha ông, một nghề đã, đang mang lại cho họ cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Qua đó góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

                                                                                                                                 Bài và ảnh Tuấn Dũng - Hải Đăng 




Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website