Đồng chí Cao Ngọc Hoành - Chủ tịch UBND xã Cao Xá cho biết: Ngay sau khi được công nhận NTM, xã Cao Xá đã có các giải pháp cụ thể nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí cho từng năm, nhất là đối với các tiêu chí như: Thu nhập, hộ nghèo, y tế, môi trường, hệ thống chính trị, trong đó tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Hiện nay, huyện Lâm Thao đang tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM.
- Bà con nông dân xã Cao Xá phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa.
Cụ thể xã quy hoạch cánh đồng mẫu lớn, nuôi trồng thủy sản, thương mại dịch vụ. Đến nay Cao Xá có 73ha trồng lúa chất lượng cao, 40ha nuôi trồng thủy sản và gần 400 hộ tham gia vào lĩnh vực thương mại dịch vụ- TTCN. Đối với các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, xã tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa tiến bộ KHKT với những giống cây, con có năng suất cao vào sản xuất; khuyến khích bà con đầu tư, phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm... hỗ trợ hộ nghèo vay vốn để có phương tiện và tư liệu sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo… Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị sản xuất của xã đạt gần 229 tỷ đồng; bình quân đầu người đạt gần 23 triệu đồng/người/6 tháng.
Sau 3 năm được công nhận huyện NTM, Lâm Thao tập trung các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó, huyện đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng các tiêu chí trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đến nay tỷ lệ cơ giới hóa vào sản xuất đạt 80%. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân. Mở rộng các giống lúa lai, lúa chất lượng cao, có giá trị thương mại lớn vào sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các công ty như: Xây dựng 30ha trồng lúa chất lượng cao J02 ở Vĩnh Lại; 30ha trồng lúa Thiên ưu 8 ở Tứ Xã; 45ha/năm sản xuất ngô giống ở Kinh Kệ; 5 - 10ha/năm ớt, bí đỏ, khoai tây ở Tiên Kiên, Tứ Xã, Sơn Dương, Kinh Kệ và sản xuất rau an toàn xã Tứ Xã. Đồng thời rà soát quy hoạch dồn đổi, tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất theo chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh; chú trọng phát triển các trang trại, gia trại. Đến nay trên địa bàn huyện có 62 trang trại và hàng trăm gia trại ứng dụng KHKT vào sản xuất.
Cùng với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện đã ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Toàn huyện đã bê tông, nhựa hóa được 473,62km đường trục xã, liên xã, trục thôn, xóm, trục chính nội đồng và kênh mương chính. Chất lượng giáo dục được nâng lên, thuộc nhóm dẫn đầu của tỉnh; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng về số lượng và chất lượng; y tế dự phòng được giám sát chặt chẽ, không để dịch bệnh lớn, ngộ độc thực phẩm xảy ra...
Công tác quản lý Nhà nước về môi trường có chuyển biến tích cực, ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân được nâng lên, đặc biệt đã chú ý đến môi trường trong các cụm công nghiệp, các trang trại chăn nuôi; phong trào vệ sinh đường làng ngõ xóm tiếp tục được triển khai thực hiện, góp phần bảo vệ môi trường. Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt đề án thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn, đã tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày cho 100% khu dân cư các xã, thị trấn. Thực hiện tốt chỉ thị của UBND huyện về ra quân tổng vệ sinh vào chiều thứ 6 hàng tuần từ cơ quan công sở đến các khu dân cư; quan tâm xây dựng hệ thống rãnh thoát nước trong khu dân cư, các khu tập kết phân loại và xử lý rác. Đến nay, 12/12 xã trên địa bàn huyện có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải phù hợp với quy hoạch, đảm bảo tiêu thoát nước.
Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, có thời điểm nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM chưa thật đầy đủ. Việc tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa nông nghiệp còn chậm. Một số xã sản xuất hàng hóa chưa thật rõ nét, năng suất cây trồng, vật nuôi, thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chưa chú trọng đến phát triển các mô hình sản xuất có năng suất, giá trị kinh tế cao.
Thời gian tới, huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Dồn đổi, tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm chủ lực đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm như: Sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích từ 1.300ha - 1.500ha; sản xuất rau, củ, quả phục vụ công nghiệp chế biến với diện tích từ 300ha- 500ha; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với diện tích từ 200ha - 300ha. Nâng cao giá trị sản phẩm bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt trên 130 triệu đồng/ha (trong đó phấn đấu giá trị sản phẩm một số vùng sản xuất hàng hóa đạt trên 250 triệu đồng/ha). Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng... để đến năm 2020 thu nhập bình quân của người dân đạt 60 triệu đồng/người/năm.
Nguồn: baophutho.vn